TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
hotline

Hotline

0911.294.141

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ NGÔN NGỮ KÝ HIỆU

Ngày đăng: 09/12/2022 01:30 PM

    Trước đây khoảng một thế kỷ, ở Mỹ, người ta gọi những dấu hiệu bằng tay mà người điếc dùng để diễn đạt trong giao tiếp là sign language nhưng họ chưa thật sự nhìn nhận nó là ngôn ngữ. Người nghe cho rằng những động tác tay của người điếc chỉ là để minh họa cho ngôn ngữ nói của tiếng Anh, tiếng Pháp…. Có người gọi đó là cách ký hiệu ngôn ngữ nói. Ở Việt Nam thì gọi nôm na là thủ ngữ (dịch nghĩa là ngôn ngữ của bàn tay hay từ ngữ của bàn tay). Cũng giống như ở Mỹ, đây cũng chỉ là cách hiểu chung chung khi thấy người điếc nói chuyện bằng tay vậy thôi chớ không phải nhìn nhận đó là ngôn ngữ. Vào năm 1960, một giáo viên Anh văn của trường Đại học Gallaudet ở  Mỹ, William Stokoe, cùng với vài cộng sự người điếc đã thực hiện việc nghiên cứu về cách làm dấu, cách sử dụng dấu hiệu của cộng đồng người điếc ở trường Gallaudet. Những phát hiện của ông đã cho thấy rằng những dấu hiệu mà người điếc Mỹ sử dụng không phải là để minh họa cho tiếng Anh như nhiều người đã nghĩ mà nó có ngữ pháp riêng và khác với tiếng Anh. (Stokoe, 1960)

      Phát hiện của Stokoe đã khiến nhiều nhà ngôn ngữ, nhà khoa học bắt đầu chú ý đến ngôn ngữ mới lạ này. Khi nói về ngôn ngữ thì thường có 2 phạm trù được đề cập đến: đó là mã và kênh. Các ngôn ngữ khác nhau thì có mã khác nhau. Ví dụ mã là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức…. Trên thế giới, cho đến thời điểm đó, các ngôn ngữ thường có 2 kênh thể hiện là tiếng nói và chữ viết nhưng cũng có những ngôn ngữ chỉ có tiếng nói mà không có chữ viết, ví dụ tiếng Thượng hải (Shanghainese), tiếng Hunanese, Hakka… https://www.quora.com/Which-languages-of-the-world-have-no-written-form-despite-having-more-than-twenty-million-speakers#.  Những dấu hiệu của người điếc thì không thuộc hay không có họ hàng với bất cứ loại ngôn ngữ nói nào đang hiện hữu lúc bấy giờ và cũng không có kênh thể hiện là tiếng nói hay chữ viết như bao ngôn ngữ khác. Cho nên, việc gọi nó là một ngôn ngữ là điều khác thường, vẫn còn phải xem xét lại. Những nhà ngôn ngữ học, nhà khoa học ở Mỹ bắt đầu thưc hiện những nghiên cứu khác về loại hình ngôn ngữ này. Điển hình là James Woordward, ông đã làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về sự biến đổi có thể dự đoán được cấu trúc của Ngôn ngữ Ký hiệu Mỹ vào năm 1973. Đây là một luận án đầu tiên về Ngôn ngữ ký hiệu ở Mỹ và cũng là luận án đầu tiên trên thế giới về đề tài này. Luận án được đánh giá xuất sắc đã bắt đầu thu hút sự chú ý của vài nhà ngôn ngữ học thời đó.(Gannon, 1981). Bên cạnh đó còn có Edward và Bellugi đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy rằng Ngôn ngữ ký hiệu được não bộ xử lý theo cách tương tự như của các ngôn ngữ nói khác. (Klima & Bellugi, 1979).

    Những nghiên cứu trên cho ta thấy rằng đây không chỉ là việc khám phá về ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) mà nó còn là một khám phá về chính ngôn ngữ này. Nó cho thấy ngôn ngữ của con người linh hoạt hơn những gì mà ta tưởng tượng, Ngôn ngữ có thể hình thành qua thính giác hoặc thị giác. Các nghiên cứu còn là những minh chứng cho thấy rằng động lực của con người đối với ngôn ngữ mạnh mẽ đến mức khi bị điếc khiến giọng nói không thể tiếp cận được thì nó sẽ tìm đến một kênh khác: làm dấu; tạo ra ngôn ngữ dưới dạng khác: Ngôn ngữ Ký hiệu. (https://www.linguisticsociety.org/sites/ default/ files/ Sign Language). Tìm hiểu về NNKH đã dạy chúng ta biết được rằng ngôn ngữ của con người có thể sử dụng một trong hai kênh — lời nói hoặc ký hiệu. Đó là một minh chứng sống động cho thực tế rằng ngôn ngữ là thứ mà tất cả chúng ta cần để trở thành con người. Những nghiên cứu của những nhà ngôn ngữ học và nhà khoa học ở Mỹ đã đặt nền móng cho những nhà ngôn ngữ học và khoa học ở các nước khác trên thế giới quan tâm hơn đến NNKH và tiếp tục có những đề tài nghiên cứu khác về nó trên nhiều bình diện khác nhau như ngôn ngữ học, xã hội học…

    Mặc dù đã có rất nhiều những nghiên cứu của những nhà ngôn ngữ học, những nhà khoa học ở Mỹ để minh chứng cho những dấu hiệu của người điếc ở Mỹ là một ngôn ngữ  khác với tiếng Anh nhưng mãi cho đến năm 2001 thì nó mới được Hiệp hội Ngôn ngữ học ở Mỹ công nhận đây chính thức là một ngôn ngữ và có vị thế cũng như những đặc quyền tương đượng như bất kỳ một ngôn ngữ nói nào trên thế giới. Và dưới sự vận động của Liên đoàn Người Điếc Thế giới (WFD) thì Liên Hiệp Quốc mới đây (2018) cũng đã có một thông cáo chính thức rằng ngày 23 tháng 9 hằng năm sẽ là Ngày Quốc tế Ngôn ngữ Ký hiệu. Vậy thi NNKH là gì” Theo WFD thì thuật ngữ "Ngôn ngữ" bao gồm ngôn ngữ nói, NNKH và các dạng ngôn ngữ không có lời nói khác và Liên đoàn cũng cho rằng NNKH là ngôn ngữ mẹ đẻ của người Điếc. Đó là một loại hình ngôn ngữ dùng bàn tay thay cho âm thanh của tiếng nói, do người điếc tạo ra trong quá trình phát triển của cộng đồng nhằm mục đích giao tiếp với nhau và tiếp thu tri thức của xã hội (Hòa Nguyễn, 2016). Chính nhờ có NNKH này mà người điếc đã làm cho mình tồn tại trong xã hội và đó thật sự là “một món quà mà thượng đế đã ban tăng cho người điếc” như lời của George Veditz, chủ tịch Hội người Điếc Mỹ đã từng tuyên bố.

    Một số người nghe ở Việt Nam cho rằng NNKH là do người nghe nghĩ ra để dạy cho người điếc học. Bởi vì họ nhìn thấy rằng phần lớn trẻ điếc khi đến trường là chưa có ngôn ngữ. Điều này có đúng không ? Thưa không. Khi nói như thế là họ chỉ xét về ngôn ngữ nói là tiếng Việt và vì họ thấy trẻ điếc khi đến trường thì không nói được hay chưa biết gì về tiếng Việt. Nhưng chúng ta đều biết rằng ngôn ngữ của con người nói chung được hình thành trước khi các trường học được thành lập. NNKH cũng không là ngoại lệ. Chúng đã tồn tại trong cộng đồng của người điếc hay trong từng con người điếc. Mỗi trẻ điếc đều có khả năng tự tạo ra những dấu hiệu để giao tiếp theo bản năng và chúng cũng sẽ học hỏi thêm từ những người điếc khác khi được đến trường hay khi lớn lên được gặp gỡ với những người lớn điếc.

    NNKH ở Việt Nam đã được hình thành từ rất lâu trước khi mà trường điếc đầu tiên ở Việt Nam được thành lập ở Lái Thiêu vào năm 1886 nhưng do trước đây ở nước ta chưa có nhà khoa học nào trong nước tìm hiểu, nghiên cứu về nó nên người Việt Nam, cũng giống như nhiều nước khác, không nghĩ và đã không xem những dấu hiệu mà người điếc sử dụng là ngôn ngữ. Họ cho rằng đó chỉ là những điệu bộ khua tay của người điếc để cố gắng giao tiếp do thiếu ngôn ngữ. Mãi đến năm 1996, khi GS.TS. James C. Woodward, người đã từng làm việc với William Stokoe tại trường đại học Gallaudet của Mỹ, sang Việt Nam thực hiện nghiên cứu ban đầu về NNKH của cộng đồng người điếc ở Việt Nam thì lúc này NNKH ở Việt Nam mới được ánh sáng khoa học chiếu rọi đến. Ông đã khám phá ra rằng ở Việt Nam không chỉ có 1 mà hiện có ít nhất 3 NNKH phổ biến (được cộng đồng người điếc sử dụng nhiều nhất). Ông đã dùng tên của những địa danh này để đặt tên cho 3 NNKH đó: Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội (NNKH HN), Ngôn ngữ Ký hiệu Hải Phòng (NNKH HP), và Ngôn ngữ Ký hiệu Thành phố Hồ Chí Minh (NNKH TPHCM). (Ban biên soạn Dự án Giáo dục Trung học – Đại  học cho người Điếc Việt Nam, 2007). Sau đó một năm thì Trung tâm Tật học của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng có một thu thâp ban đầu gọi là ký hiệu của người điếc Việt Nam vào năm 1997. 

    Tuy vậy, thuật ngữ “ Ngôn ngữ ký hiệu”.vẫn chưa xuất hiện trong nền giáo dục điếc của Việt Nam. Năm 1998, khi Tổ chức Pearl S. Buck, Int. phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện một “Dự án Giáo dục Hòa nhập cho trẻ điếc” cũng đã mời GS.TS. James Woodward làm cố vấn kỹ thuật kiêm giảng dạy về NNKH thì thuật ngữ này bắt đầu dược đưa vào sử dụng trong nền giáo dục điếc ở Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng chưa thật sự được phát triển mạnh mẽ. Sau đó, vào năm 2000, GS.TS. Woodward đã cùng với cô Nguyễn Thị Hòa thành lập một dự án riêng tại tỉnh Đồng Nai để cung cấp giáo dục bậc cao cho người điếc Việt Nam bằng phương pháp song ngữ: NNKH TPHCM (vì dự án đặt tại phía Nam nên sử dụng NNKH này) và tiếng Việt. Ngoài việc truyền thụ kiến thức về NNKH, GS. TS. Woodward còn giới thiệu, giảng dạy cho người điếc và cả người nghe ý thức và hiểu về khái niệm và ý nghĩa của “Văn hóa Điếc”. Từ đấy, NNKH bắt đầu được có cơ hội bùng lên và lan tỏa mạnh ra xã hội. Sau đó, cũng đã có vài dự án với quy mô lớn, nhỏ khác nhau đã có quan tâm đến NNKH. Ví dụ như dự án “Hỗ trợ giáo viên dạy hòa nhập về NNKH” của tổ chức Cầu vòng Châu Á (2010), dự án “ Giáo dục người điếc liên thế hệ (IDEO) do Ngân hàng Thế giới tài trợ qua tổ chức Quan tâm Thế giới (2011). và gần đầy là dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua NNKH.” (QIPEDC) (2019) cũng do World Bank hỗ trợ thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những dự án này tiếp nối nhau đã góp phần thúc đẩy vị trí của NNKH ở Việt Nam ngày càng được chú trọng và sử dụng rộng rãi hơn trong xã hội. 

    Nhiều người có quan niệm sai lầm hay chưa đúng về NNKH. Như đã có đề cập ở trên, nhiều người cho rằng nó chỉ là những dấu hiệu rời rạc dùng để hỗ trợ cho ngôn ngữ nói khi dạy cho người điếc; hay NNKH là giống nhau trong một nước hay giống nhau trên cả thế giới… Nhưng nhờ những nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ đã giúp cho chúng ta mở rộng sự hiểu biết của mình rằng: NNKH không phải là một ngôn ngữ toàn cầu, thậm chí là trong một nước có thể có nhiều NNKH khác nhau, Ví dụ như nghiên cứu của GS. TS. Woodward đã nêu ở trên. Điều đáng làm ta suy ngẫm ở đây là với cùng một khái niệm và cũng chỉ với hai bàn tay thôi nhưng mỗi cộng đồng người điếc ở mỗi địa phương, từng khu vực và mỗi quốc gia lại có cách nhìn sự vật, sự việc và thể hiện nó qua hai bàn tay rất khác nhau, để từ đó tạo nên thứ ngôn ngữ rất riêng của cộng đồng người điếc ở đó.

    Thế nhưng, còn rất nhiều người nghe luôn có suy nghĩ là phải thống nhất NNKH của người điếc để giúp cho người nghe học ký hiệu dễ hơn, để việc giao tiếp với người điếc dễ dàng hơn, để có thể dạy người điếc học…. Họ không nhìn theo hướng suy nghĩ của người điếc là tôn trong ngôn ngữ của một cộng đồng; hay suy nghĩ theo cách nhìn của những nhà ngôn ngữ học là bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ là một trong những di sản văn hóa của đất nước. Hiện nay, trên thế giới có hàng trăm NNKH khác nhau. Theo thông điệp của WFD thì những NNKH khác nhau này cần được bảo vệ dể tăng cường sự đa dạng trong thế giới người điếc. WFD đã và đang làm việc không ngừng để công nhận, quảng bá và bảo vệ tất cả các NNKH khác nhau này. Liên đoàn cũng đã tuyên bố rất mạnh mẽ rằng những ý định, mong muốn thống nhất NNKH NNKH cũng đồng nghĩa với việc là muốn gạt bỏ “quyền ngôn ngữ” của cộng đồng người điếc. https://wfdeaf.org/.

    Vậy nên theo thiển ý của tôi, NNKH là do cộng đồng người điếc sáng tạo ra, là tài sản ngôn ngữ và văn hóa của họ nên hãy để cho họ tự quyền quyết định sử dụng thế nào với ngôn ngữ của mình. Còn chúng ta, những người nghe hãy nhìn nó với một cái nhìn thiện chí và cởi mở hơn: tôn trọng, học hỏi và sử dụng đúng ngôn ngữ đó. Học biết nhiều ngôn ngữ (ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ ký hiệu) làm cho tư duy chúng ta linh hoạt và nhanh nhẹn hơn mà thôi. Khoa học cũng đã chứng minh rằng người biết nhiều thứ tiếng có khả năng đẩy lùi bệnh Alzheimer và mất trí. (Thomas và cộng sự, 2014). Một nghiên cứu khác cũng chứng mình rằng những người có khả năng đa ngôn ngữ thường sở hữu chức năng nhận thức tốt hơn khi lớn tuổi hơn – điều này giúp họ đẩy lùi nguy cơ bị mất trí nhớ đến 4.5 năm so với những người chỉ nói một ngôn ngữ duy nhất. (Morales. J., Calvo. A., Bialystok. E. ,2013). Biết nhiều ngôn ngữ ký hiệu cũng có những lợi ích như biết nhiều ngôn ngữ nói.

    Hòa Nguyễn

    Phó Tiến sĩ, Nghiên cứu Ngôn ngữ Thứ hai 

    Tài liệu tham khảo 

    Ban biên soạn Dự án Giáo dục Trung học-Đại học cho người Điếc Việt Nam. (2007) Ngôn ngữ Ký hiệu TP Hồ Chí Minh, Sách Học viên 1, trình độ 1. Nhà xuất bản Phụ nữ.

    Gannon. R. J., 1981. Deaf Heritage: A Narrative History of Deaf America, Natl Assn of the Deaf; 1st edition.

    https://www.linguisticsociety.org/sites/default/files/Sign_Language.pdf Tra cứu ngày 20 tháng 10 năm 2020.

    https://wfdeaf.org/. Tra cứu ngày 20 tháng 10 năm 2020.

    https://stuonl.com/loi-ich-cua-viec-biet-nhieu-ngon-ngu/ Tra cứu ngày 20 tháng 10 năm 2020.

    https://www.quora.com/Which-languages-of-the-world-have-no-written-form-despite-having-more-than-twenty-million-speakers# Tra cứu ngày 15 tháng 10 năm 2020.

    Klima. S.E., Bellugi U., 1979.  The Signs of Language. Harvard University Press.

    Morales. J., Calvo. A., Bialystok. E. (2013). Working menory development in monolingual and bilingual children. Journal of Experimental Child Psychology. Volume 114, Issue 2, February 2013, Pages 187-202.

    Nguyen, Hoa. 2016. Những phương thức giao tiếp của người điếc. Dự án Giáo dục người Điếc Liên thế hệ , Hà Nội.

    Stokoe. C. William, 1960. Sign language structure : An outline of the visual communication systems of the American deaf. Buffalo, New York: Department of Anthropology and Linguistics University of Buffalo, Studies in Linguistics Occasional Papers 8.

    Thomas H. B, Jack J. N, Michael M. A & Ian J. D. (2014). Dose bilingualism influence cognitive aging?.Annals of Neurology.  Volume 75, Issue 6, June 2014, Pages 959-963.