TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
hotline

Hotline

0911.294.141

Tập sáng tác

Ngày đăng: 09/12/2022 01:42 PM

    PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

    PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC CỦA HỌC SINH

    Trong dạy tiếng Việt lớp 10

    Bộ môn tiếng Việt nhằm mục đích là cung cấp những hiểu biết về từ vựng, ngữ pháp và cách dùng từ để người học sử dụng vốn hiểu biết này mà đọc, hiểu các dạng văn bản khác nhau; và cuối cùng là có khả năng tạo ra văn bản của riêng mình. Những đoạn văn, bài thơ…phải xuất phát từ những hiểu biết, suy nghĩ, tình cảm của người viết. Để làm được điều đó đòi hỏi người giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức mà phải có những phương pháp dạy như thế nào để kích thich cho học sinh chịu tư duy, để viết ra những câu văn của chính mình chớ không phải là những câu văn học thuộc từ những bài mẫu của cô/ thầy cho, hay được sao chép từ những bài văn trong sách “ Những bài văn mẫu” hoặc là lấy từ những bài viết được đăng nhan nhản trên các trang mạng.

    Ai đã từng dạy học sinh điếc thì chắc sẽ hiểu việc viết được những câu văn tiếng Việt suông sẻ, đúng ngữ pháp, đúng nghĩa đối với học sinh điếc là vô cùng khó khăn. Nền tảng về từ vựng và ngữ pháp của người điếc ở cả 2 ngôn ngữ (ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt) bị thiếu hụt, bị rối loạn mà nguyên nhân là do từ nhiều yếu tố  khác nhau: các em không nghe được, cha mẹ hay người chăm sóc không biết về ngôn ngữ ký hiệu, không được hướng dẫn đúng cách về việc cung cấp ngôn ngữ cho trẻ nên trẻ điếc không lĩnh hội được ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt đầy đủ ở giai đoạn đầu đời.

    Hôm nay, tôi cũng muốn chia sẻ một cách dạy và niềm vui của tôi trong việc giảng dạy tiếng Việt cho học sinh điếc đến những ai quan tâm. Khi dạy học sinh lớp 10 bài “Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt”, ngoài lý thuyết và một số bài tập theo sách giáo khoa đề ra, để giúp các em hiểu hơn về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là thế nào, tôi áp dụng phương pháp dạy học tích cực. Chia các em thành nhóm để làm việc. Yêu cầu các em nói chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu rồi sau đó ghi lại những câu mà các em đã nói với nhau bằng tiếng Việt. Tiếp theo, tôi lại cho các em môt chủ đề các nhóm tự nghĩ ra môt đoạn hội thoại. Sau khi các nhóm hoàn tất thì giáo viên và học sinh cùng góp ý những chỗ sai, chưa tốt. Có nhóm thì chỉ kể những mẫu hội thoại đơn giản hằng ngày trong cuộc sống nhưng cũng có nhóm cũng có ý tưởng tạo ra một câu chuyện có kịch tính như tiểu thuyết.

    Tiếp theo, tôi hướng dẫn các em chuyển đoạn hội thoại ấy thành tập truyện tranh. Với khả năng vẽ của người điếc, các em đã hoàn thành câu chuyện bằng hình với tốc độ nhanh ngoài dự kiến của tôi Chỉ qua một buổi tối là sáng hôm sau các nhóm đã có bản phác thảo cho câu chuyện của mình với hình ảnh minh họa rất sáng tạo và đáng yêu.

    Sau khi hoàn thành, các nhóm đã triển lãm những tác phẩm của minh (văn bản và truyện tranh) cho tất cả học sinh của trung tâm thưởng thức và bầu chọn.

    Ban đầu tôi cũng lo khi đưa ra những yêu cầu bài tập như thế này vì thấy nó quá cao so với khả năng của các em. Hằng ngày, khi dạy các em đặt câu thôi mà có lúc như phải đánh vật với các em.  Nhưng tôi nghĩ cứ thử xem, vừa hướng dẫn vừa thách thức khả năng của các em.  Khi các em làm được những yêu cầu này tôi rất mừng mà thấy các em cũng phấn khởi và vui lắm. Điều tôi học được ở đây là với phương pháp dạy học tích cực phù hợp đã khơi gợi được năng lực tiềm ẩn trong các em, Khi các em yêu thích thì việc học tiếng Việt sẽ bớt căng thẳng hơn, các em chủ động và làm việc có hiệu quả hơn. Điều cần thiết là giáo viên cần năng động, suy nghĩ và tìm ra cách dạy phù hợp cho việc học tiếng Việt của người điếc.

    (Hòa Nguyễn)