TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
hotline

Hotline

0911.294.141

Khiếm thính hay Điếc

Ngày đăng: 09/12/2022 10:43 AM

    Phần đông trong cộng đồng người Nghe (là người có khả năng nghe bình thường) thường dùng từ “khiếm thính” và tránh dùng từ “điếc”. Nhưng trong cộng đồng những người không có khả năng nghe thì họ tự gọi mình là người Điếc. Vậy nên gọi theo cách nào? Theo suy nghĩ của nhiều "người Nghe" thì dùng từ "khiếm thính" nghe có vẽ nhẹ nhàng hơn là dùng từ "Điếc" là bởi vì theo thói quen từ trước tới nay, chúng ta quen dùng từ "điếc" để phê bình hay nhiếc mắng một "người nghe" nào đó khi họ không làm theo yêu cầu hay lắng nghe lời của mình. Ví dụ như khi gọi một ai đó, gọi hoài mà họ không trả lời vì một lý do nào đó, ta có thể bực mình và nói "bộ điếc hả, sao không trả lời." Hoặc trên giao lộ một số tài xế xe tải bấm còi để yêu cầu ai đó tránh đường cho mình đi trước, nếu người đó không nhường đường thì khi xe tải qua mặt sẽ được nghe một câu mắng là ”điếc hả mậy!” Do đó, khi dùng từ này để chỉ những người không nghe được về mặt vật lý thì nhiều người nghĩ là sao lại dùng từ nặng thế, khó nghe thế. Dùng từ khiếm thính cho nó nhẹ nhàng hơn, lịch sự hơn và có vẽ tôn trọng người khác hơn. Nhưng thật ra, có phải là tôn trọng hơn không hay lại là nặng nề hơn? Chúng ta hãy thử phân tích từ ngữ này theo một khía cạnh khác xem sao. "Khiếm thính" theo nghĩa Hán Việt có 2 nghĩa. Một là "mất khả năng nghe". Những người điếc từ khi lọt lòng mẹ thì họ đã có khả năng nghe đâu để mà mất ? Nghĩa thứ hai là " thiếu khả năng nghe". Khi chúng ta gọi họ là " thiếu khả năng nghe" đồng thời cũng có nghĩa là chúng ta cho mình, "người Nghe" là người có đầy đủ khả năng hơn họ, không thiếu khả năng nghe còn họ "người điếc" thì thiếu. Ngược lại, khi gọi họ là người "Điếc" và ta là người "Nghe" có nghĩa là anh không nghe còn tôi thì nghe; cũng giống như là anh không thích... tôi thích. Giữa tôi và anh có một sự khác biệt về một lĩnh vực nào đó. Với cách gọi “ĐIẾC đối chiếu với NGHE, chỉ thể hiện là anh và tôi là khác nhau. Còn nếu gọi là: KHIẾM THÍNH đối chiếu với NGHE có nghĩa là tôi hơn anh. Giữa KHÁC BIỆT và HƠN thì theo bạn từ nào là nặng hơn? Cách gọi KHIẾM THÍNH là cách nhìn người điếc về mặt y học,chỉ chú trọng đến cái tai của họ, đến sự thiếu sót một phần nào đó trong cấu tạo cơ thể của một con người hoàn hảo. Cách gọi ĐIẾC là cách nhìn người điếc về mặt văn hóa/ xã hội học, nhìn nhận sự đa dạng trong một xã hội. Khi những người tự gọi mình là Điếc có nghĩa là họ nhìn nhận một sự thực về bản thân họ là họ không nghe được. Và điều đó giúp họ nhận ra được là có những người thì nghe được. Vậy là thế giới này chia thành 2 nhóm người khác biệt: nghe và không nghe. Còn nếu bảo họ tự gọi mình là “thiếu/mất nghe” (khiếm thính) thì họ không hiểu là mình thiếu/mất cái gì. Bởi vì họ đã từng có đâu để mà biết thế nào là thiếu hay mất. Vả lại thiếu thì có thể bù vào cho đủ nhưng với họ thì lấy gì để bù vào phần thiếu đây? Trong cách phân tính như thế, ta thấy những người nghe thì tạo ra ngôn ngữ giao tiếp với nhau dựa trên những âm thanh và ngôn ngữ này thể hiện qua lời nói. Còn những người không nghe được thì họ tạo ra ngôn ngữ theo hình ảnh mà họ nhìn thấy và được thể hiện qua bàn tay, gọi là ngôn ngữ ký hiệu. Hai ngôn ngữ khác biệt của hai cộng đồng khác biệt trong một xã hội chung. HÒA NGUYỄN


    Tôi là một người hiện đang công tác tại trung tâm này của trường đại học Đồng Nai. Chúng tôi, ban giám đốc của dự án (2 người) những người đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục cho người điếc là 25 năm đến 43 năm. Khi sử dụng từ nào là chúng tôi biết nguyên nhân của nó vì sao mà sử dụng từ đó. Ví như chúng tôi không dùng từ "khiếm thính" mà dùng từ "điếc" là có nguyên nhân. Tôi cũng biết là hiện có nhiều người nghe theo ý kiến của họ và nên dùng từ "khiếm thính" để tỏ sự tôn trọng. Dùng từ "điếc" nghe có vẻ phản cảm. Đó là theo suy nghĩ của người nghe. Bản thân những người này họ tự gọi họ là "điếc". Họ chấp nhận và muốn được gọi là như thế. (Vì sao thì có một bạn đã trích dẫn bài viết của tôi để giải thích rồi). Nhưng có nhiều người nghe thì cứ chiếu theo quan điểm của mình và cho rằng quan điểm của họ là đúng hơn, phải gọi là "Khiếm thính" thì mới là biết dùng từ. Họ có biết đâu là họ đang xúc phạm đến những người được họ gọi là "khiếm thính" bởi vì chính những người nghe này không hề giao tiếp được với người "điếc" nên họ không hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người này thích gì, muốn gì. Họ chỉ căn cứ vào những điều mà họ biết trong thế giới của người nghe và dùng đó để áp đặt cho người điếc. Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng ý kiến của những học sinh, sinh viên điếc, những người trong cuộc. Lắng nghe ý kiến của đối tượng mà mình đang phục vụ dù trong cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất như là một tên gọi, cũng là một trong những triết lý và quan điểm giáo dục của chúng tôi. Còn nếu nói về việc thông dịch từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt thì từ "DEAF" phải dịch ra là Điếc chớ không phải khiếm thính. Còn "Hearing impaired" thì mới dịch là "khiếm thính". Đứng trên quan điểm của người thông dịch và nếu bạn từng làm việc kết hợp với sự hiểu biết về kiến thức về văn hóa của người Điếc thì bạn sẽ hiểu được khái niệm của 2 từ " Điếc" và "khiếm thính" khi sử dụng nó. Cũng như nếu bạn có dịp được tham dự những hội nghị của người điếc trên thế giới thì bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết từ được những người điếc trên thế giới dùng là "Deaf" Ví dụ như là Deaf Association, Deaf Education. Chẳng hạn như trong học bổng này của đại học Gallaudet của Mỹ, trường đại học đầu tiên của thế giới dành cho người Điếc, họ cũng dùng từ là World Deaf Leadership chớ họ không dùng từ World Hearing Impaired Leadership.

    (Hòa Nguyễn)