TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
hotline

Hotline

0911.294.141

HỒI ỨC VỀ MỘT CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA

Ngày đăng: 09/12/2022 10:54 AM

    Hòa Nguyễn - Giám đốc trung tâm.

    Ngày nay, xã hội và ngành giáo dục đã bắt đầu quen dần với ngôn ngữ ký hiệu của người điếc. Việc dùng ngôn ngữ ký hiệu trong giao tiếp và trong việc dạy học cho người điếc không còn quá xa lạ. Nhưng nhớ lại cách đây 20 năm, khi dự án Giáo dục Trung học và Đại học cho người Điếc chưa ra đời ở Việt Nam, thuật ngữ Ngôn ngữ ký hiệu còn quá xa lạ. Người ta chỉ coi đó là những động tác huơ tay của người câm, điếc, những cử chỉ điệu bộ thể hiện sự bực tức, khó chịu… hay cái gì đó không nói được thành lời của người điếc. Thậm chí, bản thân người điếc không mạnh dạn trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu, những bàn tay phải được giấu đi, làm một cách kín đáo khi giao tiếp ở những nơi công cộng. Thế nhưng chỉ vài tháng sau khi học trong dự án, khi cùng các em đến những nơi công cộng các em đã tự tin, thoải mái sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau và với giáo viên. Hiện nay, các em điếc còn dạy lại ngôn ngữ ký hiệu đó cho giáo viên, phụ huynh và bất kỳ ai muốn học cái ngôn ngữ bằng tay này để giao tiếp với người điếc. Ngôn ngữ ký hiệu đã được công nhận là ngôn ngữ chính thức của cộng đồng người điếc ở một số quốc gia trên thế giới. Liên Hiệp Quốc cũng đã có thông cáo Ngày 23 tháng 9 là Ngày Ngôn ngữ Ký hiệu Quốc tế.

    Trước đây, người ta không tin rằng ngôn ngữ ký hiệu có thể dùng để giảng dạy các môn học ở bậc trung học vì nó chưa có đủ vốn từ vựng hay nó không có ngữ pháp. Vâng cũng có phần đúng là vốn từ vựng của ngôn ngữ ký hiệu chưa được nhiều nằng ngôn ngữ nói nhưng từ khi người điếc được tiếp cận với giáo dục trung học trở lên thì vốn từ vựng của ngôn ngữ ký hiệu đã phát triển nhiều hơn và hiện đang tiếp tục phát triển. Ngữ pháp ngôn ngữ ký hiệu của Việt Nam thì đã tồn tại trong giao tiếp của người điếc nhưng trước năm 2000 do chưa được ai nghiên cứu và khám phá. Dự án thực hiện ở trung tâm vào năm 2000 đã mang những kiến thức về ngôn ngữ ký hiệu, văn hóa Điếc đến xã hội Việt Nam nói chung và cộng đồng người Điếc nói riêng. Những kiến thức này đã góp phần thay đổi nhận thức của chính người điếc về ngôn ngữ ký hiệu và về bản thân mình; giúp họ tự tin và hiểu biết về ngôn ngữ ký hiệu và văn hóa Điếc hơn, những giá trị Điếc cũng nhờ đó được tăng cường. Kiến thức về ngôn ngữ ký hiệu, văn hóa Điếc cũng góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về năng lực của người điếc, về ngôn ngữ ký hiệu. Vì vậy, chúng ta vô cùng cám ơn sự khai sáng của GCTS. Woodward, người đã mang ánh sáng ngôn ngữ học ngôn ngữ ký hiệu đến Việt Nam, giúp cho nền giáo dục điếc và kho tàng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam được phát triển và sẽ còn phát triển sâu rộng trong tương lai.

    Từ khi có ý định thành lập một dự án dạy người điếc học cấp 2, cấp 3 cũng đã có những hoài nghi về tính khả thi của dự án từ phía Bộ Giáo dục vì theo kinh nghiệm của Việt Nam là người Điếc không có khả năng học được các kiến thức ở những bậc học này. Nhưng với niềm tin và sự năng động, những người thành lập dự án vẫn cố gắng tìm được sự ủng hộ từ phía chính quyền để có thể thực hiện dự án. Tháng 5 năm 2000, được sự phê chuẩn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, sự hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo về mặt hành chính, quản lý nhà nước, sự tài trợ về mặt kinh phí của Quỹ Nhật Bản, dự án “Mở bậc Giáo dục Trung học và Đại học cho người Điếc Viêt Nam” đã chính thức ra mắt ở trường Đại học Lạc Hồng, Biên Hòa, Đồng Nai. Trước đây, Ủy ban hay Sở có thể là chưa hiểu rõ hay tin tưởng lắm vào cái viễn cảnh mà dự án này vẽ ra nhưng quý cơ quan đã mở lòng đón nhận, sẵn sàng thử nghiệm cái mới, cái khác với hướng đi hiện tại lúc đó của nền giáo dục điếc: dùng ngôn ngữ ký hiệu để giảng dạy cho người điếc. Do đó, để có được chặng đường 20 năm này trung tâm gửi lời cám ơn chân thành đến Ủy ban Nhân dân và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai.

    Sau vài năm hoạt động ở trường Đại học Lạc Hồng, do mục đính cuối cùng mà dự án nhắm đến là đào tạo ra những giáo viên Điếc nên dự án đã được chuyển sang trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là trường Đại học Đồng Nai). Kể từ khi hoạt động trong khuôn viên của nhà trường, trung tâm đã có được sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Giám hiệu nhà trường trong nhiều hoạt động, từ việc chỉ đạo đến việc đáp ứng một số nhu cầu nhằm phục vụ cho các hoạt động dạy học và những hoạt động khác của trung tâm. Điều này đã giúp cho trung tâm được duy trì và ngày càng phát triển như hiện nay. Trung tâm xin được bày tỏ lòng biết ơn đến Ban Giám hiệu của trường Đại học Đồng Nai, đặc biệt là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Gia Bảo (cựu hiệu trường của trường CĐSP ĐN), thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Thanh, người đã thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường, luôn sát cánh với Ban Giám đốc trung tâm để cùng tháo gỡ một số vấn đề khó khăn mà trung tâm gặp phải.   .

    Dự án sẽ không là gì, cũng sẽ trôi qua theo thời gian và trong lòng mọi người như nhiều dự án khác nếu không có những thành tựu mang giá trị bền vững mà dự án đã đạt được. Dự án đầu tiên mà trung tâm thực hiện đã mang đến cơ hội cho người điếc Việt Nam được tiếp cận với giáo dục trên cấp I là một bậc học duy nhất ở Việt Nam dành cho người điếc hơn 100 năm qua. Nhiều người điếc đã tốt nghiệp cấp II rồi cấp III để có đủ điều kiện vươn tới bậc đại học.  Dự án thứ hai đã tiếp tục đào tạo bậc cao đẳng đại học và hỗ trợ những người điếc tốt nghiệp tìm việc làm để chứng minh được khả năng của mình: có thể làm được một nghề trí thức chớ không hoàn toàn chỉ là lao động chân tay. Những nhóm giáo viên điếc lần luợt ra trường và đứng trên bục giảng để giảng dạy cho trẻ điếc ở một số trường dạy trẻ điếc trên cả nước. Tất cả những thành quả này có được do kỳ vọng cao, sự quyết tâm mạnh mẽ, sự dẫn dắt vững vàng, kiên định của Ban Giám đốc dự án (GSTS. James Woodward và bà Nguyễn Thị Hòa) ; sự cộng tác tận tâm, và cống hiến của đội ngũ giáo viên, thông dịch viên, nhân viên của trung tâm trong nhiều năm qua. Có nhiều lượt giáo viên đến rồi đi, có người chỉ vài tháng có người thì đã trụ lại với trung tâm trong suốt chặng đường 20 năm. Xin được ghi khắc tên tuổi và công ơn của tất cả các thầy cô vào trang sử của trung tâm.

    Trong những năm đầu tiên của dự án, nhiều phụ huynh cũng chưa thật sự tin tưởng vào quan điểm và phương pháp giáo dục bằng ngôn ngữ ký hiệu của dự án. Nhưng cùng với thời gian, những nỗ lực của Ban Giám đốc và đội ngũ giáo viên, chính những khao khát kiến thức, mong muốn khẳng định bản thân, người điếc đã tạo ra những thành quả thuyết phục và đáng tự hào. Nhờ đó, trung tâm đã được nhiều phụ huynh tin tưởng về chất lượng giáo dục, ủng hộ quan điểm để cùng đồng hành và hỗ trợ cho trung tâm. Nhiều phụ huynh đã quan tâm đến việc học của con em hơn, học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp, giáo dục con và hỗ trợ con trong học tập. Ngoài ra cũng có một vài cá nhân phụ huynh cũng rất tích cực trong việc tài trợ cá nhân hay giúp tìm nguồn tài trợ cho vài hoạt động khác của trung tâm. Trung tâm trân trọng càm ơn tất cả sự tin tưởng, ủng hộ và đóng góp của tất cả quý phụ huynh dù ít hay nhiều. Hãy luôn chung sức cùng trung tâm trong chặng đường tương lai.

    Điểm thành công khác của trung tâm là đã đào tạo được những hình mẫu người điếc về học tập, những giáo viên điếc tận tụy với tương lai của thế hệ trẻ điếc, những lãnh đạo tài năng trong hoạt động xã hội. Những cựu học sinh, sinh viên này đang là những người đóng góp vào nền giáo dục điếc và lãnh đạo sự phát triển của cộng đồng điếc Việt Nam theo nhiều hướng khác nhau. Chúc các em luôn đầy nhiệt huyết, mạnh mẽ, vững vàng, khôn ngoan và bản lĩnh kết hợp với tinh thần phục vụ vô vị lợi cho cộng đồng của mình. Hãy là tấm gương cho những người điếc lớn và những em điếc nhỏ về tài năng và nhân cách để Việt Nam sẽ có những thế hệ người điếc tốt cả về đạo đức và tài năng trong tương lai.

    Mong rằng Trung tâm Nghiên cứu và Thúc đẩy Văn hóa Điếc sẽ luôn là điểm đến, là niềm tin cho những người điếc khao khát tri thức, cho những người điếc muốn vươn lên để chứng minh “ Tôi là ai” trong xã hội.