Nhà ở TP. HCM nhưng gần 15 năm nay, ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, cô Hòa đều vượt mấy chục cây số để đến lớp giảng dạy cho những học sinh điếc tại Đồng Nai.
Đến nay, nhiều học trò đã trở thành đồng nghiệp của cô, thậm chí, có người còn được cô tư vấn, hỗ trợ để nhận được học bổng du học thạc sĩ toàn phần tại Mỹ. Cô tâm sự: “Người ta thường nói con hơn cha là nhà có phúc. Hạnh phúc nhất đối với tôi chính là được nhìn thấy học trò thành công, nhất là khi các em giỏi hơn mình".
Những lớp học âm thầm
Ngày 1-7-2014, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai đã ra quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy văn hóa Điếc, trực thuộc nhà trường. Đây là trung tâm đầu tiên và cũng là duy nhất trên cả nước giảng dạy cho học sinh khiếm thính từ cấp THCS lên đến cao đẳng, đại học.
Trước khi trực thuộc Trường ĐH Đồng Nai, Trung tâm này đã có bề dày hoạt động được hơn 10 năm (từ năm 2000). Sự ra đời của Trung tâm cũng chính là tâm huyết của cô Nguyễn Thị Hòa (hiện là Giám đốc của Trung tâm này). Hoạt động của Trung tâm không chỉ mang đến tương lai, hy vọng cho những học sinh điếc mà còn giúp cho xã hội có cách nhìn nhận, đánh giá đúng về khả năng của người điếc trong xã hội.
Với những lớp học khác, giáo viên phải cố gắng nói thật to, rõ ràng, thậm chí là dùng micro để giảng bài cho học trò. Nhưng tại những lớp học của Trung tâm này, cô và trò chỉ giao tiếp với nhau bằng... tay. Tuy vậy, giờ học không vì thế mà nhàm chán, ngược lại các tiết học diễn ra rất sinh động. Mỗi phòng học đều được ngăn đôi để làm nơi học tập cho hai lớp khác nhau. Giáo viên và học sinh trong lớp học này có thể thoải mái giảng dạy, trao đổi bài với nhau mà không sợ ảnh hưởng đến lớp học khác cùng phòng.
Cô và trò trao đổi thoải mái trong giờ học.
Vì số lượng học sinh ít, giáo viên có thể vừa giảng bài, vừa quan sát tất cả học trò của mình xem các em có hiểu bài hay không. Trong lúc giáo viên giảng bài, học sinh trong lớp có thể trao đổi với giáo viên cũng như các bạn khác. Sở dĩ có được điều này là vì giáo viên giảng dạy hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Để có thể tham gia giảng dạy tại những lớp học đặc biệt này, giáo viên phải trải qua khóa học về ngôn ngữ ký hiệu. Đây có thể được xem là một môn “ngoại ngữ bắt buộc”. Việc học và sử dụng thành thạo môn “ngoại ngữ” để giảng dạy chuyên môn không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, trong thời gian đầu, nhiều giáo viên khi đứng lớp phải mời thêm một “phiên dịch” làm trợ giảng. Công việc tuy vất vả nhưng rất nhiều giáo viên vẫn gắn bó với công việc này để đem đến kiến thức cho những học trò kém may mắn.
Hết lòng vì học sinh điếc
Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường trường sư phạm, cô sinh viên Nguyễn Thị Hòa đã thường xuyên đi làm công tác xã hội. Trong một lần đến thăm trường điếc Lái Thiêu (Bình Dương), cô đã mong muốn được dạy cho các học sinh điếc giống như những học sinh bình thường khác.
Cô Hòa kể: “Thời bấy giờ, thậm chí cho đến hiện nay, nhiều người vẫn xem việc dạy học cho người điếc giống như một công tác từ thiện xã hội. Việc dạy học cho đối tượng này chủ yếu là giúp họ hòa nhập cộng đồng chứ chưa thực sự chú trọng đến công tác giáo dục như một đối tượng người học bình thường. Cá nhân tôi thì luôn muốn các em được học tập, tiếp thu tri thức và có công việc trong xã hội như những người bình thường khác”.
Thời gian đầu mới ra trường, cô Hòa rất muốn về Lái Thiêu dạy cho học sinh điếc ở đây nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép nên cô đành đi dạy tại một trường THCS ở TP. HCM. Đến năm 1986, khi quận Bình Thạnh (TP. HCM) mở trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng thì cô trở thành giáo viên trợ giảng tại đây. Đến năm 1989, cô Hòa quyết định nghỉ việc ở trường cũ để toàn tâm toàn ý làm việc tại trường Hy Vọng. Khi dạy tại trường Hy Vọng, cô được chọn tham gia khóa học 4 năm về công tác đào tạo giáo viên cho học sinh khiếm thính của Hà Lan.
Cô Hòa trò chuyện với các học sinh sau giờ học
Ở nhiều trường khiếm thính khác và ngay cả trong dự án của Hà Lan, giáo viên được yêu cầu phải cố gắng luyện cho học sinh khả năng nghe - nói (học sinh đeo máy trợ thính). Vì vậy, giáo viên sử dụng ngôn ngữ nói để giảng bài. Khi đeo máy trợ thính, học sinh có thể nghe được lời cô giảng nhưng đồng thời những tiếng ồn xung quanh cũng được khuyếch đại lên. Mặt khác, ngay từ khi sinh ra, những học trò này đã không tiếp nhận được âm thanh như những người bình thường. Vì vậy, phương pháp dạy học này không thu được kết quả tốt, hầu hết các học sinh phải học 2 năm thì mới lên được một lớp. Điều này khiến bản thân người dạy, người học thấy nản lòng. Không những vậy, nó còn khiến cho xã hội đánh giá thấp khả năng của người điếc.
Từ năm 1998 - 2000, cô là điều phối viên cho dự án “Giáo dục hòa nhập cho trẻ điếc” của tổ chức Pearl.S.Buck. Trong quá trình làm việc tại đây, cô Hòa được gặp Tiến sĩ James.C.Woodward, một chuyên gia hàng đầu thế giới về giáo dục người điếc. Chính những cuộc gặp gỡ này đã giúp cô có ý tưởng thành lập một Trung tâm để đào tạo bậc học từ THCS trở lên cho học sinh điếc (vì thời điểm đó học sinh điếc chỉ được học hết cấp tiểu học mà thôi).
“Khi làm việc với tiến sĩ James, tôi được biết ở nhiều nước khác, người điếc có thể học và làm được nhiều nghề (lao động trí óc) như người bình thường. Vì vậy, tôi rất muốn người điếc ở Việt Nam cũng làm được điều này. Khi đó, Tiến sĩ James nói với tôi là ông muốn thành lập một dự án đào tạo đại học cho người điếc ở một nước Đông Nam Á, dưới sự tài trợ kinh phí của tổ chức phi chính phủ The Nippon Foundation (Quỹ Nhật Bản), tôi đã thuyết phục ông dành dự án đó cho Việt Nam, chỉ khác là cấp độ đào tạo phải bắt đầu từ bậc THCS trở lên và ông đã đồng ý”, cô Hòa nhớ lại.
Mong muốn mở trường cho học sinh điếc |
Hạnh phúc khi học trò giỏi hơn mình
Sau khi thống nhất thực hiện dự án giáo dục cho người điếc tại Việt Nam, cô Hòa lại băn khoăn về địa điểm mở Trung tâm. Nếu thành lập ở TP. HCM, cô chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi hơn về chính sách hỗ trợ, số lượng người học... Tuy nhiên, cô đã quyết định chọn Đồng Nai để mở Trung tâm. Cô cho biết nguyên nhân: “Quá trình làm việc cho tổ chức Pearl.S.Buck, tôi đã đến nhiều tỉnh thành và được biết Đồng Nai là tỉnh có nhiều người khuyết tật nói chung và người điếc nói riêng. Vì vậy, tôi muốn mang đến cơ hội cho học sinh điếc tại Đồng Nai được tiếp cận với văn hóa giáo dục. Thật may là khi trình bày ý tưởng này với Sở GD-ĐT Đồng Nai, chúng tôi đã được ủng hộ nhiệt tình”.
Ban đầu Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy văn hóa Điếc được đặt tại Trường ĐH Lạc Hồng, tuy nhiên, do mục tiêu của Trung tâm là đào tạo học sinh điếc trở thành giáo viên nên sau đó Trung tâm này được chuyển sang ĐH Đồng Nai (khi đó còn là Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai).
Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 200 học sinh điếc. Đến nay, có 17 người đã tốt nghiệp các lớp cao đẳng sư phạm và tham gia giảng dạy tại nhiều trường khiếm thính trong cả nước. Trong đó có 1 người được nhận học bổng du học toàn phần (Thạc sĩ chuyên ngành giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu) tại Mỹ, 11 người khác đã thi đậu và sẽ học liên thông đại học trong dịp hè sắp tới.
Hiện nay, Trung tâm có 40 học sinh và sinh viên, trong đó có 8 sinh viên đang học hệ cao đẳng. “Tôi luôn nhắc nhở các giáo viên phải chấm điểm thực chất đối với tất cả học trò ở đây. Bởi lẽ, nếu thầy cô thấy tội nghiệp học sinh mà cho các em điểm cao thì vô tình đã làm hại các em. Các em phải biết đúng thực chất năng lực của mình để cố gắng vươn lên trong học tập. Gần 30 năm gắn bó với học sinh điếc, điều làm tôi hạnh phúc nhất là cho đến hiện tại đã có nhiều học trò thành đạt. Tôi rất vui và tự hào khi có học trò sắp trở thành Thạc sĩ về giáo dục cho người điếc, đó là em Thủy Tiên. Trong tương lai, có thể em còn tiến xa hơn nữa. Tôi vẫn thường lấy em làm tấm gương sáng để khuyên răn học trò của mình”, cô Hòa tự hào nói.