TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
hotline

Hotline

0911.294.141

Yếu tố khiến người khuyết tật sa ngã

Ngày đăng: 08/12/2022 11:22 AM

    (ĐSPL) - Tình trạng người khuyết tật phạm tội xuất phát từ sự quan tâm chưa đúng mực, chưa sát sao của xã hội khiến họ trở thành “công cụ” của kẻ xấu. Để hiểu hơn về nguyên nhân này báo ĐS&PL có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa người điếc, trường ĐH Đồng Nai.

    Khiếm khuyết đời sống tinh thần

    Có nhận định cho rằng, những người khiếm khuyết về cơ thể, họ ít được tiếp xúc với xã hội bên ngoài, không được trang bị kiến thức cần thiết để hòa nhập vào cuộc sống. Khi bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ, họ dễ bị sa ngã hoặc cuộc sống quá khó khăn, những người này thường có suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến phạm tội. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?

    Đúng. Hiện nay, những người khuyết tật rất thiếu những điều kiện để thật sự hoà nhập vào xã hội chung của chúng ta. Sự thiếu hiểu biết của bản thân, cuộc sống khó khăn do không có việc làm, thiếu sự quan tâm từ xã hội... đã tạo thêm cơ hội cho việc họ sa ngã, bị dụ dỗ. Nhưng không hẳn tất cả người khuyết tật trong hoàn cảnh đó đều như thế.

    Theo bà, những đối tượng người khuyết tật nào thường bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn dắt vào con đường phạm tội?

    Những người khuyết tật mắc sai phạm do bị người khác lợi dụng, tôi thấy thường là người điếc. Do một vài nguyên nhân như: Không có cơ hội đi học nên thiếu hiểu biết về mặt đạo đức và luật pháp, ngôn ngữ khác biệt với xã hội nên không có khả năng giải thích bằng tiếng nói dễ bị người xấu lạm dụng, sai khiến hoặc đỗ lỗi cho, xã hội còn quá nhiều rào cản đối với người điếc do sự khác biệt về ngôn ngữ.

    Khi vào các trung tâm, tổ chức dành cho người khuyết tật, họ được trang bị những kiến thức cơ bản nào để vươn lên trong cuộc sống. Theo bà, những kiến thức có đủ để bảo vệ họ trước cám dỗ của xã hội?

    Hiện nay, nhiều trường, trung tâm cho người khuyết tật chỉ chú trọng việc dạy kỹ năng nghề nghiệp hoặc học chữ cho người khuyết tật. Theo tôi, những người khuyết tật (đặc biệt là những người điếc) cần được trang bị nhiều kiến thức tổng quát, cách sống hoà nhập, cách ứng xử  trong xã hội, cách đề phòng, nhận biết nguy hiểm hay người xấu, tập rèn luyện ý chí, học những gương tốt của những người khác. Các trường dành cho người khuyết tật cùng một loại tật nên giao lưu với nhau để cho học sinh có cơ hội học hỏi lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau. Các trường khuyết tật hiện nay còn khép kín và bảo thủ. Tuy nhiên nếu chỉ có nhà trường không thì chưa đủ, gia đình của những người khuyết tật cũng đóng góp một phần không nhỏ. Phụ huynh phải dành thời gian nhiều hơn để giao tiếp với con để dẫn dắt, chia sẻ tâm sư, suy nghĩ từ đó giúp các em tránh được những sai lầm kịp thời

    Cần có cái nhìn thiện cảm

    Bà có nghĩ những hành vi phạm tội của người khuyết tật khiến xã hội không còn dành cái nhìn thiện cảm cho họ nữa. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng người khuyết tật nói chung?

    Theo tôi, nếu từ một sai lầm của một nhóm người khuyết tật mà xã hội không có cái nhìn thiện cảm chung cho cả một cộng đồng người khuyết tật thì thật đáng buồn và không đúng. Xã hội của chúng ta cũng đã có không ít gì những người không khuyết tật, có học vấn, địa vị mà vẫn còn phạm những sai lầm thì huống chi người khuyết tật. Ông bà ta có câu đừng “vơ đũa cả nắm” cho nên ở phương diện này theo tôi chúng ta hãy nhìn người khuyết tật trước tiên cũng là một “con người” như tất cả chúng ta. Đã là người thì ai cũng có thể có lúc mắc sai lầm hay khuyết điểm.

    Những sai phạm của họ cũng giống như những sai phạm của những người khác thôi. Có khi họ nhận thức được việc làm của mình là sai. Cũng có khi họ không nhận thức được. Tôi mong xã hội hãy công bằng trong đối xử về mặt nhìn nhận sai phạm trên phương diện “con người”. Và nguyên nhân sai phạm đó không phải xuất phát từ cái không “hoàn hảo” của bản thân họ mà xuất phát từ xã hội của chúng ta. Thêm vào đó hiện nay trong xã hội ta có biết bao nhiêu là gương xấu từ những người “bình thường, không khuyết tật” đã tác động đến họ. Có trách là trách những người không khuyết tật đã lợi dụng sự bần cùng, không hiểu biết, sự thua thiệt của những người khuyết tật để trục lợi cho mục đích cá nhân hay mục đích làm giàu của họ. 

    Người khuyết tật sau khi thi hành án và trở về gia đình và địa phương, họ càng khó hòa nhập với xã hội hơn. Chúng ta cần làm gì để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng?

     Một vài ý mà tôi nghĩ chúng ta có thể làm là: Đừng đề cập gì đến tội của họ đã phạm với một ác ý; hãy quên đi lỗi lầm đó. Vận động một cơ sở, công ty nào đó nhận họ làm việc nếu họ đã có tay nghề hoặc dạy nghề rồi nhận họ làm nếu họ chưa có tay nghề. Hoặc nhà nước hay cá nhân nào đó mở trường dạy chữ, dạy nghề cho đối tượng này. Ngoài ra, người thân trong gia đình là những người gần gũi với họ nên hãy quan tâm và hòa nhập vào thế giới suy nghĩ chẳng hạn như học ngôn ngữ của họ (nếu là người điếc) để giúp họ giải toả nhu cầu giao tiếp hằng ngày trong cuộc sống.   

     Cám ơn bà về cuộc trò chuyện này!

    HỢP PHỐ